Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Làm “tươi” cho hạt lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Nói đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhắc đến một vùng đất màu mỡ nhưng còn hoang sơ mà trước đây hơn 300 năm ông cha ta đã khai khẩn và trải qua bao thế hệ mới trở thành vùng đất nông nghiệp trù phú như ngày hôm nay.



Sản phẩm quan trọng, có lịch sử lâu đời nhất của ĐBSCL chính là lúa gạo. Dân ta xưa kia tìm đến vùng đất này để có được cái ăn mà lúa gạo là nguồn lương thực chính, sau đó mới đến tôm cá và các nông sản khác. Sản phẩm nông sản của ĐBSCL hôm nay không những đủ nuôi sống 22 triệu dân trong vùng, mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, cung cấp cho người dân TP. Hồ Chí Minh, đồng thời dùng một lượng đáng kể để xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Thời tồn tại cơ chế bao cấp trong sản xuất nông nghiệp, nông dân cũng bị đói, Nhà nước phải nhập gạo từ nước ngoài để cung cấp cho những vùng thiếu lương thực. Hôm nay, cả về số lượng lẫn chất lượng, hạt gạo của ta đã phát triển nhanh và là niềm tự hào của người Việt Nam. Sự đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của ngành lúa gạo không thua kém bất cứ ngành hàng nào, nhưng nếu đánh giá một cách nghiêm túc thì trong điều kiện môi trường thiên nhiên ưu đãi như ĐBSCL, ngành lúa gạo còn nhiều việc phải cải tiến, phải đầu tư sâu hơn, từ công đoạn chọn giống, làm đất, canh tác, điều hòa thủy lợi, phân bón, trừ sâu, gặt hái, sấy, bảo quản, chế biến từ lúa ra gạo và từ gạo ra các sản phẩm khác. Có vậy ngành lúa gạo mới phát triển đến mức tột đỉnh và người nông dân mới giàu lên được.
Tháng rồi, các doanh nghiệp và lãnh đạo của một tỉnh ĐBSCL tham quan Đài Loan, đến một vùng trồng lúa được tổ chức rất chuyên nghiệp theo kỹ thuật cao, đồng thời cũng rất phù hợp với đặc điểm ruộng đất mảnh nhỏ, riêng biệt của từng hộ gia đình tại đây. Các công đoạn từ chọn giống ươm mạ, cấy xuống ruộng, điều hòa nước trên đồng, bón phân, xử lý sâu bọ đến gặt hái, sấy khô, tồn trữ... đều có các công ty dịch vụ thực hiện theo quy trình đúng kỹ thuật để đảm bảo hạt lúa về đến kho tồn trữ có chất lượng tốt nhất. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xay xát ra loại gạo đúng chuẩn xuất khẩu sang Nhật.
Phần phụ phẩm như trấu dùng để đốt lò sấy, cám để ép dầu và điều chế các loại mỹ phẩm, phần tấm còn để làm các loại bánh kẹo đặc biệt thơm ngon. Mục kích các công đoạn trong chuỗi canh tác lúa gạo ấy và được thưởng thức những sản phẩm chế biến từ lúa gạo của người Đài Loan quả là hữu ích cho kiến thức nông nghiệp của nhiều người. Điều làm cho cả đoàn bất ngờ nhất là kiến thức uyên bác của một vị giám đốc khi trình bày về giá trị và tính năng của máy sấy lúa do công ty ông sản xuất.
Doanh nghiệp của ông trước đây chỉ buôn bán máy sấy, sau đó hợp tác với doanh nghiệp Nhật để lắp ráp máy sấy theo kỹ thuật của Nhật để cung cấp cho thị trường Đài Loan. Ông đã tự nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để máy sấy phù hợp hơn với môi trường Đài Loan, rồi đi sâu vào nghiên cứu hạt lúa ở góc nhìn sinh học, tìm hiểu cách nào để đảm bảo hạt lúa được "tươi" cho đến khi xay xát ra thành gạo và bảo quản gạo giữ được độ "tươi" của hạt gạo để có chất lượng cao nhất khi gạo đến tay người tiêu dùng.
Vị giám đốc đó cho rằng hạt lúa có sinh mệnh, vòng đời của nó có hai giai đoạn. Cụ thể là lúc còn trên cây thì lệ thuộc vào thân cây lúa để trưởng thành. Khi chín, hạt lúa rời thân cây lúa, sẽ đủ sức sống độc lập, mạnh khỏe, giữ được độ "tươi" vài năm (như chàng trai trẻ) nếu có được ngay môi trường phù hợp về độ ẩm, nhiệt độ... Nếu không có được điều kiện phù hợp như vậy ngay khi rời khỏi thân cây lúa, hạt lúa sẽ bị tổn thương và nhanh chóng già nua đi (độ "tươi" bị mất, mầm yếu hoặc chết, các loại nấm có hại xâm nhập vào thân hạt). Sau khi được xay xát, gạo bị mất đi hương thơm ngon, thậm chí có khi còn chứa cả độc tố. Do đó, công đoạn sấy khô ngay từ khi gặt hái là hết sức quan trọng và đó chính là nhận thức mới đối với tôi. Nhận thức này cũng có thể mới đối với người nông dân nào đem lúa ra phơi trên đường lộ. Hóa ra, những người không xem trọng công đoạn sấy khô và bảo quản trong kho đúng kỹ thuật để hạt lúa, hạt gạo giữ được chất lượng cao nhất thì vô tình đã làm mất đi vài chục phần trăm giá bán!
Ông giám đốc nọ rất tự hào vì sản phẩm của ông đã được nhiều nước, trong đó có Thái Lan, Nhật, Indonesia, Trung Quốc đại lục đặt mua. Thị trường lớn nhất của công ty ông hiện là Trung Quốc, nếu lúa gạo của Trung Quốc có qua công đoạn sấy thì 50% sản lượng gạo đã sấy phải qua máy sấy của ông. Điều mà ông tự hào hơn là doanh nghiệp Nhật hợp tác với ông trước đây không còn sản xuất máy sấy nữa vì chất lượng máy của họ đã thua kém nhiều so với máy của ông. Điều ngược lại cũng đã xảy ra: doanh nghiệp Nhật ấy đang là đại lý tiêu thụ máy sấy của ông tại Nhật! Thành quả chất lượng mấy sấy của ông có được ngày nay là do ông đã có nhận thức mới đúng đắn về hạt lúa, để có được hướng cải tiến đúng.
Mới thấy, ngành lúa gạo của chúng ta đã đến lúc phải chuyển từ tăng sản lượng sang tăng chất lượng. Đã đến lúc phải cải tiến quy trình trồng lúa, nhất là đầu tư ngay vào khâu sấy và bảo quản, đồng thời nghiên cứu công đoạn chế biến phụ phẩm để đa dạng hóa mặt hàng, nâng giá trị gia tăng của cây lúa lên một bước mới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên khuyến khích phát triển mô hình hợp tác sản xuất thiết bị chế biến nông sản để bước đầu có được những thiết bị đạt chất lượng cao theo kịp trình độ thế giới, sau đó sẽ nghiên cứu sáng tạo bổ sung để tạo ra những loại máy mới phù hợp hơn với điều kiện nước ta, như trường hợp doanh nghiệp sản xuất máy sấy của Đài Loan hợp tác với doanh nghiệp Nhật nói trên. Có như vậy, vùng ĐBSCL mới đủ lực để tiếp tục mạnh mẽ đi lên, trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất của cả nước.
Điều đáng mừng là đã có một doanh nghiệp và một tỉnh của ĐBSCL quyết tâm đi vào chương trình cây lúa, sẽ chế biến gạo chất lượng theo quy trình kỹ thuật hiện đại đã nêu trên. Thành công của họ sẽ là thành công của ngành lúa gạo và cũng là thành công của ĐBSCL, mong lắm thay!
  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

0 nhận xét:

Đăng nhận xét