“Ba ơi, mình đi đâu?” Đó là câu hỏi ngây thơ của một đứa trẻ. Thường thì người cha sẽ trả lời về một địa điểm nào đó mà hai cha con sắp đến. Nhưng, ở đây lại có điều bất thường:
“Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à. Chúng ta đi loanh quanh. Chúng ta đâm thẳng vào tường (…)
Mình đi ngược chiều trên xa lộ.
Mình đi đến Alaska. Mình đi vuốt ve lũ gấu. Mình sẽ bị chúng xé xác.
Mình đi hái nấm. Mình đi hái loại nấm tử thần và mình sẽ làm món ốp lết ngon lành.
Mình đi đến bể bơi, mình đi lao xuống một cái bể cạn từ một cái ván nhún.
Mình đi ra biển Mình đi đến làng Mont-Saint-Michel. Mình sẽ đi dạo trong cát lún. Mình đi trong sa lầy. Mình sẽ đi xuống địa ngục.”
“Ba ơi, mình đi đâu?” đã mở ra một thế giới nơi bóng tối ngự trị: thế giới của tật nguyền, của nỗi đau, của day dứt, của thất vọng… Nhưng, với lối dẫn dắt của Jean-Louis Fournier, một bậc thầy trào phúng đen, lại khiến ta phải cười, phải khóc, phải suy ngẫm và khi gấp sách cũng chính là lúc ta thôi bi luỵ. Bởi chính ông, người cha có tới hai đứa con tật nguyền – “hai ngày tận thế”, bằng cuốn sách nhỏ nhưng lay động tâm can này, đã thắp lên niềm vui sống căn bản, dù mong manh nhưng không bao giờ lụi tắt.
“Một cuốn sách nhỏ để đến với điều cốt tuỷ”. Tác giả của nó đã muốn như thế khi lần đầu tiên đối diện nỗi đau tật nguyền của các con trai bằng văn chương. Sự dung dị, cảm động và độc đáo đã khiến cuốn sách này trở thành một kiệt tác nhỏ, đoạt giải Fémera, là tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét